Hôm nay mình chia sẻ đôi chút về việc so sánh 4 ứng dụng chat đang phổ biển hiện nay là Facebook Messenger, Zalo, Viber và Telegram. Cả 4 đều là app U2U (user-to-user) tuy nhiên vì mức độ phổ biến, hiệu năng sử dụng tốt nên dần dần các doanh nghiệp đều đã chọn các ứng dụng này làm kênh giao tiếp chính trong doanh nghiệp (thay vì Skype khá lạc hậu cũ kỹ và Slack chỉ cho lưu 10,000 tin cùng vài điểm cứng nhắc khác).
1. Nền tảng hỗ trợ
Mình đánh giá thứ tự từ cao đến thấp lần lượt là Telegram, Facebook Messenger, Zalo và Viber vì tính phổ biến trong các nền tảng mà chúng hỗ trợ là khác nhau như sau:
Telegram hỗ trợ nhiều nền tảng nhất, cứ đang sở hữu SIM của mình là có thể lấy OTP để đăng nhập mà dùng. Ứng dụng này có 1 điểm cộng so với “á quân” – Facebook Messenger – đó là có cả desktop app.
Facebook Messenger cũng khá thoải mái, chỉ cần có thiết bị là đăng nhập vào dùng (tất nhiên bảo mật 2 lớp hay hình thức secure nào là do chúng ta setting). Thua Telegram vì không có desktop app. Thực ra cũng có nhưng là của bên thứ ba chứ không phải chính chủ Facebook làm ra. Mà như vậy thì không ít người e ngại dùng vì sợ lợ thông tin cho thiên hạ biết (dù ai cũng biết hết trơn rồi).
Ai thích vọc desktop app của Facebook Messenger thì tải tại đây nhé (công nhận chỉ khác icon và favicon, còn lại nguyên site này design y hệt style của Facebook).
Zalo hơn Viber ở 2 điểm. Một là, có web version. Hai là, cho đăng nhập đồng thời điện thoại và máy tính bảng. Trong khi đó Viber đánh đồng smartphone và tablet là mobile (thiết bị di động) nên chỉ cho dùng trên 1 thứ. Sign in Viber trên smartphone là bị out trên tablet, và ngược lại. Zalo thua Telegram và Facebook Messenger ở chỗ, cùng lúc chỉ có thể đăng nhập trên 1 máy tính (PC/laptop).
2. Tính năng
Thú thật mỗi ngày mình dùng Facebook Messenger rất nhiều để liên lạc với người thân và bạn bè. Một phần vì UI/UX của dịch vụ chat này này nổi trội hơn hẳn những đại diện còn lại. Tuy nhiên về tính năng thì Facebook Messenger còn nhiều cái thua xa 3 ứng dụng còn lại.
Gần đây thì đã bổ sung tính năng phản hồi tin nhắn (in-line-reply message). Nếu chỉ in-line reply duy nhất 1 tin nhắn thì UI của Telegram là good nhất, kế đến là Viber, Zalo. Trong bản cập nhật gần đây, Zalo reply hơi phô, tốn quá nhiều diện tích.
Minh hoạ cho in-line reply message của Telegram
Cách bố trí khi reply của Zalo khá tốn diện tích
Nếu chỉ reply 1 message thì các app đều ổn nhưng reply nhiều-hơn-1 thì các app đều làm chưa ổn. Có app thì không cho reply nhiều-hơn-1 (cụ thể là Viber và Zalo). Còn Telegram thì khi forward hay reply nhiều-hơn-1 sẽ gây rối cho ai không rành nguyên lý chat của app này.
Nếu mới làm quen Telegram, không phải ai cũng phân biệt được cách thể hiện khi reply nhiều-hơn-1 tin nhắn
Cứ tin nào dính chữ “Forwarded Message” thì là tin được chọn để reply. Còn tin trên cùng của thread là tin mới hồi âm. Chat giữa 1 người với 1 người thì còn dễ phân biệt chứ chat trong group, tin nhắn cứ ào ào tuôn ra thì không phải dễ để nhận định chỗ này.
Thứ hai là Facebook Messenger không cho edit tin nhắn. Nhiều khi chỉ sai một ký tự, hãy cho người dùng edit lại tin nhắn. Ở phần này, Telegram là #1 cho tính năng này khỏi phải bàn cãi. Viber và Zalo cũng không có tính năng này nhưng ít ra còn cho xoá / thu hồi tin nhắn.
Hơi bị thích Telegram ở chỗ cho edit tin nhắn
Facebook Messenger giờ đã cho remove tin nhắn nhưng trong vòng 10 phút kể từ lúc chat thôi nha.
Tiếp đến là gửi hình ảnh, Telegram vẫn xứng đáng ở ngôi vị số 1 về UI/UX khi gửi rất nhanh (dù server nước ngoài), cho 2 chế độ là gửi nén hay không nén ảnh, thể hiện rõ tiến trình load của ảnh trong quá trình gửi.
Tiếp nữa, tính bảo mật / riêng tư thì một lần nữa Telegram xứng đáng là quán quân. Hôm 15/10/2018, Viber phát đi thông điệp rằng “Viber là ứng dụng nhắn tin bảo mật nhất dành cho bạn” nhưng ở khâu này Viber còn thua cả tốc độ của Zalo trong việc học hỏi Telegram.
“Viber is the most secure messaging app for you”???
Cụ thể, Telegram là ứng dụng đầu tiên cho cài passcode cho cả mobile & laptop/PC mà không cần cài thêm 3rd party app.
Khi mở các app đang chạy như thế này thì sẽ không thấy được nội dung đang chat trên Telegram. Các app khác không có cái hay này
Trước kia, mở quản lý các app đang chạy thì chỉ có Telegram là làm blur đi màn hình app (giờ thì không blur chắc do privacy của iOS không cho nữa nên chuyển sang kiểu không hiển thị text), ở chỗ này thì người tò mò vẫn có thể xem được nội dung trên các app chat khác. Bạn cứ tìm hiểu trên mạng để thấy cư dân mạng tôn vinh tính bảo mật của Telegram như thế nào. Thậm chí có bài viết còn cho rằng lực lượng phiến quân IS giao tiếp với nhau bằng… Telegram.
Tiếp theo là phần integration. Mình xài cả 4 ứng dụng chat trên từ rất lâu. Và cho đến nay, ứng dụng bổ trợ nhiều nhất cho công việc chính là Telegram với việc cho tích hợp thêm chatbot hay các ứng dụng khác từ bên ngoài vào. Ở điểm này thì cả 3 đại diện còn lại phải hít khói xa.
Một ví dụ minh hoạ về việc cứ 6:30am hàng ngày là bot tự báo cáo vận hành cho chúng tôi
Gỡ gạc lại chút danh dự cho Facebook Messenger là “seen” tốt nhất khi chat nhóm (cho biết cụ thể ai seen, 3 anh còn lại thì không); cho tuỳ biến nickname, màu sắc, icon của chat; nay đã tăng cường tính năng group admin các kiểu và là the best VoIP OTT ever. Trừ lại một điểm là đang lướt friend-list cứ bị làm phiền bởi quảng cáo, rồi là spam messages từ fanpages.
3. Tính địa phương
Zalo hẳn nhiên được xếp đầu, nhất là trong sự kiện đổi 11-số thành 10-số vừa rồi. Ngoài việc cho đăng ký / đăng nhập (nhận OTP) bằng đầu 10-số mới nhanh nhất thì ngay trên ứng dụng Zalo còn cho convert toàn bộ trong phonebook những ai xài 11-số sang thành 10-số. Cái hay là đổi trên Zalo nhưng trên phonebook của điện thoại cũng đổi theo, khoẻ re.
Chỉ Zalo là có chức năng này. Ứng dụng “nội” có khác
Lúc mới chớm vụ 10-số mới, nhiều người dùng lao đao vì không nhận được OTT của app “ngoại”. Giờ thì ok rồi. Nhưng không có trò sync toàn phonebook của Zalo thì đi đổi cho từng số cũng hơi bị mệt à nha.
Nguồn ảnh: Facebook Giáp Hùng Cường
4. Kết
Phải thừa nhận là nỗi bất hạnh của người này là niềm may mắn cho người khác. Chắc chắn một điều rằng Zalo chính là “ngư ông đắc lợi” sau vụ ầm ĩ Cambridge Analytical của Facebook vì sau sự kiện này, Facebook không còn cho người dùng tìm kiếm nhau bằng số điện thoại hay email nữa, kể cả hai người đang kết bạn với nhau. Và thế là gần đây khi giao thương với khách khứa bạn bè mới xong sau đó tôi toàn phải kết nối với họ qua Zalo để tiếp diễn các đối thoại.
Hầu hết các doanh nghiệp mà mình biết, đều đang dùng Telegram làm kênh giao tiếp chính cho nội bộ, vì nhiều lý do (nhanh, bảo mật, tính riêng tư cao, khả năng tích hợp, hoàn toàn miễn phí, không quảng cáo…). Slack là phần mềm chat chuyên biệt cho tổ chức và trước đó mình cực thích Slack nhưng cũng có không ít điểm thua xa Telegram. Chắc sẽ viết bài khác so sánh 2 bạn này.