This War of Mine: Lại nói về phận người thường giữa chiến tranh

in
Kể từ khi mình bắt đầu bập bõm làm mảng game hơn chục năm trước, mình đếm lại số lần mình viết về This War of Mine không dưới 5 lần, đơn giản lý do vì nó quá khác biệt. Giữa thời kỳ những trò chơi điện tử đều đưa anh em nhập vai những người lính cầm vũ khí hạ gục kẻ thù ở bên kia chiến tuyến là xu hướng tất yếu để mô tả chiến tranh, thì tác phẩm của những người Ba Lan ở 11 bit Studios lại mô tả cuộc sống của những người dân thường giữa lúc thành phố nơi họ sinh ra và lớn lên bị quân đội phong tỏa và chiếm giữ. Từ đó, 11 bit Studios khắc họa một cuộc chạy đua sinh tồn, cố gắng tìm kiếm thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh khi bị mắc kẹt giữa hai phía đang nổ ra xung đột.


Tinhte_Game1.jpg

This War of Mine lấy bối cảnh có thật, nói về thân phận những người Bosnia mắc kẹt giữa cuộc vây ráp thành phố Sarajevo kéo dài 4 năm, từ 1992 đến 1996. Theo thông tin của Wikipedia, bố ráp Sarajevo khiến hơn 5000 dân thường thiệt mạng, và This War of Mine là câu chuyện của những người cố gắng sinh tồn mà không thể thoát ra khỏi thành phố.

Viết mãi về This War of Mine rồi, vậy sao còn viết thêm bài này? Hôm vừa rồi, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã lên tiếng xác nhận đưa tác phẩm game này trở thành trò chơi điện tử đầu tiên nằm trong danh sách các tác phẩm chính thức (văn học, phim ảnh) mà chính phủ khuyến khích tất cả học sinh và sinh viên các trường tại Ba Lan trải nghiệm. Có lẽ, trước đến giờ chưa một chính phủ đất nước nào chọn game là tác phẩm mang giá trị nhân văn đủ cao đẹp để đưa vào danh sách khuyến khích học sinh cả một đất nước trải nghiệm.


Tinhte_Game2.jpg

Thủ tướng Morawiecki tuyên bố như thế này: “Dĩ nhiên, game đang được nhà trường ứng dụng để phục vụ giảng dạy toán học, hóa học, phát triển khả năng nhận thức của học sinh, nhưng tôi không nghĩ chúng ta từng gặp một trò chơi đủ xứng đáng để đưa vào hệ thống giáo dục quốc gia ở mức khuyến khích trải nghiệm. Tôi rất tự hào khi nói rằng tác phẩm của 11 bit Studios có thể dùng để phát triển giáo dục và văn hóa của đất nước.”


Tinhte_Game3.jpg

Và đó chính là di sản của Michał Drozdowski, của Przemysław Marszał, hay của họa sỹ Dominik Zieliński, những con người cần mẫn tạo ra This War of Mine. Tác phẩm của họ đã được công nhận về mặt giá trị văn hóa, về cái cách khắc họa chiến tranh, khắc họa những mất mát khi con người nổ ra xung đột mà gần như không một trò chơi điện tử nào có thể làm được, đứng ngang hàng với những tác phẩm văn học kinh điển nằm trong danh sách khuyến khích đọc của chính phủ Ba Lan. Nó hướng tới những sinh viên xã hội học, đạo đức, triết học, lịch sử, và sẽ được phát hành miễn phí cho những sinh viên đang theo học các chuyên ngành đó.


Tinhte_Game4.jpg

Ra mắt từ năm 2014, nhưng đến giờ This War of Mine vẫn là một tác phẩm xuất sắc cả về chiều sâu cốt truyện lẫn lối chơi. Anh em sẽ bắt đầu với 4 nhân vật, có thể là 4 người xa lạ sống cùng một căn gác xép để sinh tồn giữa mùa đông lạnh giá, lẩn trốn khỏi quân Nam Tư cũ, và sẽ phải nấu ăn, sửa chữa căn gác xép, và rất nhiều việc khác để sinh tồn và giữ cái đầu trở nên tỉnh táo khi vẫn chưa biết tới khi nào hòa bình được lập lại. Trong suốt quá trình gần 6 năm qua, 11 bit Studios cũng tung ra nhiều mục chơi cốt truyện, thay vì chỉ sinh tồn không hồi kết, người Ba Lan còn đưa vào những câu chuyện đau thương, nhưng không hề hư cấu.


Tinhte_Game5.jpg

Những anh em đã từng chơi This War of Mine có lẽ cũng sẽ hiểu cảm giác khó khăn khi không đủ ăn, khi đi ra ngoài nhặt nhạnh đồ đạc vào ban đêm để lẩn tránh lính gác Nam Tư, khi bất đắc dĩ phải đi ăn trộm từ những người dân khác cũng đang cố gắng sinh tồn, dẫn đến những kết cục không một ai mong muốn. Nếu may mắn, anh em sẽ gặp được những người sống ở những nơi khác chấp nhận trao đổi hàng hóa để bán cái mình có mua cái mình cần, còn nếu không may, hệ quả sẽ như ở trên, “bần cùng sinh đạo tặc”. Có lẽ, This War of Mine thực sự phù hợp với những sinh viên học khoa đạo đức hay xã hội học. Khi con người bị đẩy đến đường cùng, câu hỏi được đặt ra là họ sẵn sàng làm những gì, và sau khi thực hiện những hành vi ấy, tác động tới tâm lý của họ sẽ như thế nào. Cảm giác thiếu đồ ăn, thiếu thuốc men, thậm chí thiếu cả nước sinh hoạt chắc chắn sẽ đẩy người chơi đến một thời điểm họ sẵn sàng làm những thứ không hề mong muốn chỉ để sinh tồn.


Tinhte_Game7.jpg

Những hình ảnh giống như bức tranh vẽ chì nguệch ngoạc đầy ngây thơ trong game hóa ra lại khắc họa những góc cạnh đen tối nhất khi con người mắc kẹt giữa hai làn đạn. Và thậm chí để thêm sự tuyệt vọng vào mỗi màn chơi, anh em sẽ không thể biết đến khi nào hành trình của mình mới kết thúc, chỉ biết đến một ngày nào đó, thỏa thuận ngừng bắn sẽ có hiệu lực, và họ sẽ không phải trốn chui trốn lủi như trong game nữa. Ngày đó bao giờ mới đến, chỉ có game mới biết, và anh em sẽ phải giúp các nhân vật sinh tồn đến khi mỗi màn chơi bất chợt hiện lên dòng chữ “hòa bình”.


Tinhte_Game6.jpg

This War of Mine chơi hoàn toàn không vui một chút nào. Anh em sẽ có cảm giác “được thưởng” sau khi làm một bữa ăn, xây được một chiếc giường hay hệ thống lọc nước mưa, hay tìm được một món đồ mình cần khi đi ra ngoài vào ban đêm nhặt nhạnh những món đồ còn sót lại. Anh em sẽ cảm thấy may mắn khi sáng hôm sau trở về thấy “căn nhà” của mình còn nguyên vẹn, những người bạn không bị thương từ đạn lạc hay do những kẻ khác đi cướp bóc, và thầm cầu nguyện trước khi ra ngoài mỗi đêm, rằng đêm đó sẽ bình yên.


Tinhte_Game8.jpg

Thông điệp của This War of Mine rất rõ ràng: Chiến tranh là thứ tồi tệ, và con người bị cuốn vào cuộc chiến phải chịu khổ sở không giấy bút nào có thể tả xiết. Sự chịu đựng đó được chuyển thẳng sang người chơi, những người phải điều khiển các nhân vật với nỗ lực duy nhất là sống sót. Thiếu công cụ liên lạc với thế giới bên ngoài hay những món đồ giúp con người thư giãn như sách vở hay rượu cồn, họ sẽ phát điên. Thiếu băng gạc thuốc men, họ sẽ trở nên yếu dần và có thể tử vong. Ấy là chưa kể đến việc thiếu thực phẩm, thiếu chỗ ngủ tử tế, hay mối đe dọa từ những kẻ xa lạ đột nhập vào nhà cùng vũ khí để cưỡng đoạt những gì người chơi đã thu thập được.


Tinhte_Game9.jpg

Ngoài việc hoàn thành một nhiệm vụ ra để giúp nhân vật trở nên thoải mái, có lẽ giây phút duy nhất game không nặng nề mệt mỏi chính là khi chiếc radio phát những bản nhạc cổ điển thư thái tâm hồn, dĩ nhiên nếu anh em đã làm ra được một chiếc đài thu thanh.

Còn lại, 99% thời gian chơi game này sẽ là những giây phút anh em, qua góc nhìn của các nhân vật trong game, cố gắng sống sót, thậm chí có thể tạo ra những sai lầm kinh khủng, dẫn tới mất mát không gì đong đếm được. Chơi game này không khác gì hành hạ về mặt tinh thần, và đó chính là thứ 11 bit Studios không ngần ngại khắc họa qua từng ngày, từng đêm, từng thời điểm anh em trải qua trong game. Nó mệt mỏi, căng thẳng như cái cách The Last of Us Part II tạo ra khi mình chơi vài tuần trước, nhưng có lẽ chính sự tra tấn về mặt tâm lý ấy là cây cầu hoàn hảo để đem những trải nghiệm kinh hoàng của những người dân thường kẹt trong cuộc chiến đến với toàn thế giới, để chúng ta thực sự biết giá trị của hòa bình đắt đến mức nào.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/this-war-of-mine-lai-noi-ve-phan-nguoi-thuong-giua-chien-tranh.3149779/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *