Đánh giá MSI Alpha 15: một chiếc máy đạt chuẩn AMD Advantage, mạnh mẽ, rất đáng để xài

in
Alpha 15 là một chiếc laptop chạy AMD thuần và nó là chiếc máy rất đáng để trải nghiệm, để mua xài. Chiếc máy được trang bị Ryzen 7 5800H với 8 nhân Zen 3, GPU Radeon RX 6600M đủ sức để anh em chơi game AAA ở độ phân giải 1080p, thiết lập đồ họa cao. Hiệu năng được tối ưu với AMD SmartShift và Smart Access Memory. Thời lượng pin của máy cũng rất tốt nếu xét về máy cấu hình gaming. Mức giá 37 triệu thì mình thấy Alpha 15 rất hợp lý bởi không chỉ game, nó còn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu khác của anh em.


tinhte msi alpha 15 (2).jpg


Hôm trước mình đã trên tay và đánh giá nhanh chiếc MSI Pulse GL66 thì Alpha 15 gần như là một biến thể chạy AMD. MSI vẫn thường sử dụng qua lại chassis của nhiều dòng máy với nhau, thay đổi một chút về vẻ ngoài, cũng là cách để hãng tiết kiệm chi phí chế tạo. Vì vậy khác biệt của Alpha 15 về thiết kế chỉ nằm ở mặt A của máy với lớp vỏ nhôm có 2 đường gân nổi 2 bên và logo phượng hoàng cách điệu. Trên dòng Alpha, Bravo và Delta thì MSI đã sử dụng logo riêng và cá nhân mình thấy nó đẹp hơn so với logo con rồng xương truyền thống.


tinhte msi alpha 15 (3).jpg


Cạnh sau của máy có 2 hốc tản nhiệt lớn, khoảng giữa 2 hốc này vẫn trống và mình kỳ vọng về sau các hãng làm laptop sẽ dần chuyển các cổng kết nối có dây như cổng trình xuất, sạc, mạng LAN ra phía sau cho thuận tiện.


tinhte msi alpha 15 (6).jpg


Chiếc máy này có cỡ 15,6″, trọng lượng khoảng 2,3 kg và dày 24 mm. Nó khá là gọn gàng nhờ thiết kế viền mỏng, trọng lượng này thì mình nghĩ sẽ không thành vấn đề với những anh em đã chấp nhận xài máy 15,6″ hiệu năng cao.


tinhte msi alpha 15 (4).jpg


Mặt đáy cũng có thiết kế tương tự như dòng Pulse GL66 với nhiều lỗ khoét hình tổ ong không đối xứng để lấy gió cho hệ thống tản nhiệt. Các feet cao su khá cao và cứng giúp nâng đáy máy lên, gầm máy thoáng hơn và 2 quạt lấy được nhiều gió hơn. Nhìn qua các khe này mình thấy hệ thống tản nhiệt CoolerBoost 5 trên Alpha 15 có 6 ống đồng, 2 ống cho CPU, 3 ống cho GPU và 1 ống cho dàn VRM. 2 quạt trên máy có kích thước khác nhau, quạt bên phía GPU có kích thước nhỏ hơn so với quạt bên phía CPU. Hệ thống heatsink dành cho CPU bao gồm 2 cụm, 1 cụm hướng ra sau, 1 cụm hướng ra bên trái máy, bên GPU sẽ có 1 cụm heatsink hướng ra sau máy.

Thiết kế đáy kiểu khay nhựa liền mảnh của MSI cũng giúp việc tháo, thay phần cứng, bảo trì máy đơn giản. Đây là điều mình vẫn thích trên laptop MSI xưa nay. Chúng ta sẽ có thể nâng cấp RAM cho chiếc máy này với loại RAM SO-DIMM DDR4-3200, 2 khe, tối đa 64 GB. Ngoài ra máy có 2 khe M.2 PCIe 3.0 x4. Không gian còn lại được MSI dành cho cục pin có dung lượng 90 Wh.


tinhte msi alpha 15 (11).jpg


Các cổng kết nối trên MSI Alpha 15 cũng tương tự như Pulse GL66 tức là bên cạnh trái chúng ta có jack cắm nguồn chân kim, 2 cổng USB-A trong đó có 1 cổng USB 3.0 (5 Gbps), 1 cổng USB 2.0 dành cho chuột, phím gắn ngoài.


tinhte msi alpha 15 (12).jpg


Bên cạnh phải máy có cổng HDMI, thêm một cổng USB-A USB 3.0, 1 cổng USB-C USB 3.1 Gen1 (5 Gbps) và jack tai nghe 3,5 mm. Số lượng cổng thì vừa đủ với nhu cầu của một người dùng phổ thông hay game thủ nhưng sẽ thiếu đối với những ai có nhu cầu lớn hơn như làm nội dung, cần trao đổi dữ liệu nhiều. Thêm nữa là các cổng kết nối trên máy có tốc độ không cao, Alpha 15 chạy AMD thuần nên không có Thunderbolt, cổng USB-C trên máy cũng chỉ hỗ trợ tốc độ 5 Gbps và trình xuất DisplayPort. Máy không có khe đọc thẻ nhớ SD.


tinhte msi alpha 15 (1).jpg

Bên trong, Alpha 15 được trang bị màn hình 15,6″ với thiết kế viền mỏng 2 bên, phía trên dày 1 cm chứa cụm webcam, mic, viền dưới vẫn dày vài cm, kiểu thiết kế chung trên nhiều dòng laptop gaming. Bản lề màn hình cho góc mở tối đa 180 độ như mọi khi trên laptop của MSI.


tinhte msi alpha 15 (13).jpg


Màn hình dùng tấm nền B156HAN08.0 – một tấm nền được MSI dùng khá phổ biến trên nhiều dòng laptop gaming của hãng, điển hình như dòng GS65 Stealth Thin. Đây là một tấm nền AHVA (IPS) của AUO, độ phân giải 1920 x 1080p với mật độ điểm ảnh 141 ppi, tốc độ làm tươi 144 Hz.


tinhte msi alpha 15 (14).jpg


Tấm nền này cho chất lượng hiển thị tốt với khả năng bao phủ các dải màu khá cao, 63% AdobeRGB, 93% sRGB, 72% NTSC, độ tương phản khoảng 1000:1 và độ sáng ở 260 nit. Màu sắc và độ tương phản cao khiến chiếc màn hình này lý tưởng để chơi game và giải trí. Anh em cũng có thể dùng làm đồ họa không chuyên, tốt nhất là nên cân lại màn hình để có các thông số về gamma, nhiệt độ màu chính xác hơn.


tinhte msi alpha 15 (5).jpg


2 loa của Alpha 15 đặt tại mặt dưới, gần cạnh trước máy, chất lượng âm thanh chống điếc là chính. Dù cùng thiết kế với Pulse GL66 nhưng loa trên chiếc Alpha 15 này mình lại thấy nó cho âm thanh kém hơn hẳn, độ lớn lẫn chất âm đều kém hơn dù rằng là loa laptop. Vì vậy để có được trải nghiệm game tốt nhất thì anh em cần phải đeo tai nghe. Có cái hên là hiện tại nếu anh em mua con Alpha 15 này thì sẽ được tặng kèm tai nghe gaming của MSI luôn, quá tiện.

Bàn phím và bàn rê của Alpha 15 tương tự Pulse GL66. Bàn phím có layout dạng full-size nhưng được bóp lại cho vừa với kích thước máy. Mình đã xài qua bàn phím trên Pulse GL66 nên không thấy lạ với layout này.


tinhte msi alpha 15 (7).jpg


Cụm phím số được làm gọn lại để dành không gian cho cụm phím chính alphabet nên anh em sẽ phải làm quen với layout phím số này để có thể thao tác nhanh. Thêm vào đó là 4 phím điều hướng đặt chen giữa cụm phím chính và phím số nên anh em sẽ cần lưu ý vị trí các phím này để tránh bấm nhầm. Phần còn lại của bàn phím thì mình không gặp vấn đề gì, các phím chính keycap kích thước lớn 15 x 15 mm, hành trình sâu.


tinhte msi alpha 15 (8).jpg


Trước đó trên chiếc Pulse GL66 thì bàn phím hơi flex nhưng trên chiếc Alpha 15 này thì tình trạng flex mất hẳn, phần vỉ phím chắc chắn hơn, ít võng khi gõ nhanh, hơi nhiều lực. Điểm cắt giảm trên Alpha 15 năm nay so với phiên bản năm ngoái là đèn RGB tùy biến trên từng phím đã không còn, giờ là RGB trên toàn phím.


tinhte msi alpha 15 (10).jpg


Bàn rê trên Alpha 15 có kích thước 10,5 x 7,5 cm, bề mặt khá mượt dễ trượt ngón tay, hỗ trợ đa điểm tốt nhưng cần nhiều lực để nhấn.


tinhte msi alpha 15 (9).jpg


Chiếc MSI Alpha 15 có cấu hình rất tốt trong tầm giá 37 triệu, chi tiết như sau:

  • CPU: AMD Ryzen 7 5800H (Cezanne, Zen 3) 8 nhân 16 luồng, xung 3,2 – 4,4 GHz (Boost), 16 MB cache, TDP 45 W – 82 W;
  • iGPU: AMD Radeon Vega 8 8 CU;
  • dGPU: AMD Radeon RX 6600M (Navi 23, RDNA 2), 28 CU, 1792 nhân Stream, 28 nhân Ray Accelerator, 1489 – 2177 MHz, TGP 80W;
  • RAM: 2 x 8 GB DDR4-3200 (SO-DIMM), tối đa 64 GB;
  • SSD: 512 GB Kingston OM8PCP3512F-AI1 PCIe 3.0 x4 NVMe SSD;
  • Pin: 90 Wh;
  • OS: Windows 10 Home Single Language.


Ryzen 7 5800H là một con vi xử lý khá mạnh trên laptop hiệu năng cao/gaming hiện tại. Nó có 8 nhân Zen 3, 16 luồng, xung đa nhân ở 3,2 GHz, đơn nhân 4,4 GHz và sử dụng tiến trình 7nm của TSMC khiến hiệu năng/điện năng rất tốt. Bộ đệm 16 MB và đi kèm GPU tích hợp Radeon Vega 8 với 8 CU, xung ở 2000 MHz và thông thường thì GPU này sẽ đảm nhận các tác vụ trừ game. Hiệu năng của Ryzen 7 5800H rất ấn tượng, có thể ngang ngửa với Core i7-11800H ở đa nhân, thua ở đơn nhân hay đôi nhân vì xung tối đa chỉ ở 4,4 GHz.

Về phần Radeon RX 6600M thì đối với mình đây là một ẩn số và Alpha 15 cũng là chiếc laptop đầu tiên mà mình trải nghiệm phiên bản Radeon này. RX 6600M là biến thể thấp nhất của dòng Radeon RX 6000 series, nó thay thế cho RX 5600M. Điều đáng chú ý là Radeon RX 6600M cũng sử dụng chung con Navi 23 tương tự như dòng Radeon RX 6600/6600 XT cho desktop. AMD cắt giảm số CU, từ đó giảm số nhân Stream để Radeon RX 6600M có thể chạy mát mẻ hơn trên laptop trong khi vẫn đảm bảo hiệu năng chơi game tốt ở độ phân giải 1080p. Thêm nữa, AMD cũng trang bị cho RX 6600M 8 GB bộ nhớ GDDR6 16 Gbps, kết nối qua bus 128-bit cho băng thông 256 GB/s và nó cũng hỗ trợ công nghệ Smart Access Memory cho phép CPU Ryzen 7 5800H có thể truy xuất dữ liệu từ bộ nhớ VRAM của GPU thay vì từ bộ nhớ RAM hệ thống. Hiệu năng chơi game nhất là ở độ phân giải cao như 2K hay 4K sẽ được cải thiện từ 5 đến 15% tùy tựa game.

RX 6600M có 28 CU, cho 1792 nhân Stream, 28 nhân Ray Accelerator để xử lý Ray Tracing bằng phần cứng. Xung nhịp của RX 6600M từ 1700 đến tối đa 2177 MHz. Tùy theo thiết lập TGP thì xung nhịp này có thể lên cao hơn nữa, mình chứng kiến mức xung 2190 MHz trên chiếc Alpha 15 này nhưng không duy trì lâu, nó chạy ở TGP tối đa 76 W mình quan sát được.

Nói về đối thủ của RX 6600M thì không đâu khác là RTX 3060, dòng RTX 3050/3050 Ti thì thông thường sẽ đối mặt với RX 6500M nhưng AMD vẫn chưa tung ra biến thể này trên cả laptop lẫn desktop.

Thử nghiệm với 3DMark, RX 6600M cho thấy hiệu năng rất ngon ở độ phân giải 1080p. Điểm số graphics của RX 6600M ở bài test FireStrike bám khá sát RTX 3060 và bỏ xa những RTX 3050/3050Ti. Trên con Pulse GL66, RTX 3050 Ti chính là nỗi thất vọng của mình bởi nó không yếu nhưng bộ nhớ chỉ 4 GB GDDR6 của nó đã khiến sức mạnh của nó bị kiềm tỏa. Nhiều tựa game mình chơi không thể bật được cấu hình đồ họa cao vì thiếu bộ nhớ.

Với Ray Tracing thì dù kiến trúc RDNA 2 đã có các nhân Ray Accelerator nhưng nó vẫn chưa thể mang lại hiệu năng Ray Tracing tốt như nhân RT trên kiến trúc Ampere của NVIDIA. Bài test Port Royal cho thấy nó thua gần 1 nửa so với RTX 3060. Vì vậy có thể hình dung anh em khó có thể trải nghiệm các tựa game có Ray Tracing với thiết lập đồ họa ánh sáng này bật ở mức cao. Nếu không có nhu cầu Ray Tracing thì RX 6600M đã đủ sức kéo 1080p với thiết lập đồ họa cao.

Chơi vài tựa game AAA trên Alpha 15, anh em có thể thấy Ryzen 7 5800H và RX 6600M cho hiệu năng rất tốt ở các tựa game không Ray Tracing như 2 tựa game DirectX12 như Borderlands 3 đồ họa Ultra đạt 70 fps, The Division 2 đồ họa Ultra ở 77 fps và Wolfenstein với Vulkan API đạt đến 137 fps ngang ngửa với RTX 3060 ở thiết lập đồ họa tối đa Mein Leben.

Riêng với Shadow of the Tomb Raider, RX 6600M tỏ ra đuối sức khi bật Ray Tracing ở chất lượng Ultra (đã bật luôn FidelityFX để cải thiện tỉ lệ khung hình), 44 fps thì anh em không thể chơi mượt được. Nếu tắt Ray Tracing thì RX 6600M đã cho tỉ lệ khung hình đến 99 fps với thiết lập đồ họa Highest. Hiện tại vẫn chưa nhiều tựa game hỗ trợ FidelityFX nhưng đây đã là chuẩn mở nên trong tương lai, mình nghĩ sẽ có nhiều tựa game khai thác được công nghệ khử răng cưa này để có được chất lượng hình ảnh ở phân giải cao cùng tỉ lệ khung hình tốt hơn khi chơi game.

Mình cũng test các bài test render trên Alpha 15 với Cinebench R20, R15 và Blender với sample BMW. Kết quả là ở 65 W, Ryzen 7 5800H cho điểm số Cinebench R20 đa nhân ngang ngửa với Core i7-11800H và tương tự với chiêc Legion 5 Pro cũng chạy Ryzen 7 5800H với cùng 65 W. Điểm số Cinebench R15 đa nhân thì có phần nhỉnh hơn Core i7-11800H đôi chút. Đơn nhân thì lợi thế này thuộc về Core i7-11800H với Cinebench R20 nhưng ngang bằng với Ryzen 7 5800H ở Cinebench R15.

Với bài test Blender, Alpha 15 cũng hoàn thành nhanh hơn 4 giây so với Core i7-11800H, mình quan sát thấy nó chạy Blender với 69 – 70 W trung bình trong khi Core i7-11800H thì không quá 65 W toàn nhân.

Trên những chiếc laptop dùng CPU và GPU AMD điển hình như Alpha 15 thì nó có công nghệ SmartShift – một công nghệ quản lý điện năng thông minh tự động phân bổ điện năng cho CPU hoặc GPU tùy theo tác vụ. Với hầu hết các tựa game hiện tại đều thiên về sức mạnh xử lý của GPU thì SmartShift sẽ ưu tiên điện năng cho GPU, quạt tản nhiệt bên GPU sẽ được kích lên tốc độ cao hơn để làm mát, từ đó hệ thống sẽ cho hiệu năng và hiệu quả tản nhiệt tối ưu. Ngược lại với CPU khi anh em chạy các tác vụ render cần sức mạnh đa nhân của CPU.

Có một điều mình muốn lưu ý với anh em đó là để chiếc Alpha 15 đạt hiệu năng tốt nhất thì anh em cần phải chuyển sang chế độ Extreme Performance trong MSI Center. Nếu để chế độ Balance thì hệ thống sẽ hạn chế mức điện năng của CPU và GPU nhằm khiến cho hệ thống quạt hoạt động ở tốc độ vòng quay dưới 4000 rpm, từ đó tiếng ồn từ hệ thống tản nhiệt sẽ không quá lớn. Ở Extreme Performance thì CPU và GPU đều được mở hiệu năng tối đa, quạt sẽ quay trên 4000 rpm để làm mát và giữ hiệu năng của CPU và GPU. Mình ví dụ như Cinebench R20 đa nhân, nếu anh em để chế độ Balance thì CPU chỉ có thể ăn 54 – 60 W, xung toàn nhân ở 3,37 GHz. Trong khi đó nếu chuyển sang Extreme Performance thì CPU sẽ ăn tối đa 81 W theo PL2 và giảm xuống 65 W với xung 3,66 GHz.

Dưới đây là bảng mình so sánh hiệu năng của Alpha 15 giữa 2 chế độ Balance và Extreme Performance để anh em thấy sự khác biệt.

Nhìn chung nếu anh em chơi game hay chạy các tác vụ cần đa nhân thì cứ bật Extreme Performance và cũng có thể kích hoạt thêm Cooler Boost để CPU và GPU có thể mát hơn nữa. Nhiệt độ của CPU và GPU trên Alpha 15 cũng rất mát mẻ, cả CPU Ryzen 7 5800H và GPU RX 6600M đều được sản xuất trên tiến trình 7nm nên với hệ thống tản nhiệt Cooler Boost 5 trên Alpha 15 đủ hiệu quả để giữ cho 2 thành phần này hoạt động ở ngưỡng nhiệt độ mát mẻ.

Khi chơi game, AMD có công nghệ SmartShift nên điện năng tự động được dồn cho GPU với game GPU bound và chia điện theo tải với các tựa game hay tác vụ vừa cần CPU và GPU. GPU có thể dễ dàng đạt mức xung 2170 Hz, duy trì ở trên 2100 MHz, nhiệt độ GPU ở ngưỡng 74 – 75 độ C. Tình huống GPU ăn nhiều điện nhất là khi bật Ray Tracing trong game hay khi chạy bài test Port Royal của 3DMark, nó ăn tối đa 76 W và nhiệt độ GPU cao nhất mình thấy là 80 độ C. Về CPU, nhiệt độ của nó tối đa 96 độ C khi chạy Cinebench R20, khi 2 hay 3 nhân được kéo lên mức xung 4,4 GHz nhưng trong chỉ 1 giây sau đó cắt dần xuống 4 GHz và ổn định ở 3,66 GHz, khi ở 65 W thì nhiệt độ của CPU sẽ dưới 90 độ, tầm 86 độ C. Nếu bật Cooler Boost lên, quạt sẽ quay ở tốc độ đến 5700 rpm bên GPU và 5500 rpm bên CPU, nhiệt độ sẽ giảm thêm từ 4 – 5 độ C tùy tải.

Alpha 15 là chiếc máy đạt chuẩn AMD Advantage, tức nó dùng CPU và GPU của AMD nhưng đồng thời phải đáp ứng được các yêu cầu như cho hiệu năng chơi game với tỉ lệ khung hình trên 100 fps, có màn hình tốc độ quét 144 Hz, có ổ SSD NVMe và phải đạt trên 10 giờ thời lượng pin với tác vụ phát video liên tục. Những điều này thì mình đã có thể kiểm chứng qua phần test hiệu năng còn về pin, 10 giờ phát video liên tục nếu test ở điều kiện tốt nhất thì chiếc Alpha 15 mình nghĩ có thể đạt được.


PCMark8.jpg


Thời lượng pin của Alpha 15 rất tốt nếu xét về một chiếc máy cấu hình gaming. Cục pin 90 Wh kèm với CPU và GPU của AMD đều dùng tiến trình 7nm và sự cải tiến về tiêu thụ điện năng trên thế hệ Ryzen 5000 series khiến mình có thể dùng Alpha 15 để làm việc hàng ngày trong khoảng hơn 5 tiếng với thiết lập hiệu năng Balance, độ sáng màn hình 50%. Kiểm tra với bài test PCMark 8 với cùng thiết lập này thì thời lượng pin đạt 4 tiếng 50 phút. Đây là mình xài liên tục và nhiều tác vụ khác nhau, nếu nhu cầu sử dụng máy của anh em ít hơn và muốn thời lượng pin kéo dài hơn nữa thì có thể chuyển sang chế độ Super Battery trong MSI Center, giảm độ sáng màn hình, tắt đèn bàn phím thì pin mình nghĩ có thể kéo được 7 tiếng hoặc hơn vì lúc này CPU chạy ở xung tầm 2 GHz.

Với những gì trải nghiệm trên Alpha 15 thì mình thấy laptop chạy AMD thuần đã cho hiệu năng chơi game không còn thua kém gì so với bộ đôi hoàn cảnh Intel và NVIDIA. Mức giá máy dễ chịu hơn, hiệu năng tốt, pin tốt, thiết kế dù không quá bắt mắt nhưng được việc. Mình nghĩ Alpha 15 sẽ có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng từ làm việc đến chơi game. Mình rất ấn tượng với nó và kỳ vọng sẽ có thêm những chiếc laptop chạy AMD thuần như vậy được đưa về bán tại Việt Nam để anh em chúng ta có thêm lựa chọn.

Nguồn: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-msi-alpha-15-mot-chiec-may-dat-chuan-amd-advantage-manh-me-rat-dang-de-xai.3414205/


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *